Published on

Tất cả mọi thứ bạn cần biết về DeFi

2153 words11 min read–––
Views
Authors

Hãy tưởng tượng rằng Blockchain là một cơ thể sống, khi đó tiền mã hóa chính là mạch máu vì chúng chảy qua và làm nhiệm vụ duy trì sự sống và khả năng hoạt động của toàn bộ hệ thống. Tương tự như cách máu cung cấp dưỡng chất và năng lượng cho cơ thể, tiền mã hóa đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp tài sản và thanh khoản cho toàn bộ hệ thống Blockchain.

Tuy nhiên, như bất kỳ mạch máu nào, hệ thống này cần phải được điều chỉnh và duy trì để đảm bảo dòng chảy suôn sẻ và cân đối. Đây chính là nhiệm vụ của DeFi, DeFi là tác nhân điều hòa, mang lại sự cân đối cho dòng tiền mã hóa trong hệ thống Blockchain.

Tất cả mọi thứ bạn cần biết về DeFi

Khái niệm của DeFi

Là viết tắt của Decentralized Finance, DeFi là một dạng hệ thống tài chính phi tập trung được xây dựng trên nền tảng Blockchain với các logic được đặt trong Smart Contract. Điều này cho phép việc giao dịch, cho vay, đầu tư và các hoạt động tài chính khác diễn ra trực tiếp giữa các cá nhân mà không cần sự trung gian của các tổ chức tài chính truyền thống. DeFi mang lại sự minh bạch, tính toàn vẹn và tiềm năng cải thiện quyền kiểm soát cá nhân đối với tài sản và giao dịch.

Có thể nói DeFi là ứng dụng thiết thực nhất của Blockchain bên cạnh tiền mã hóa vì nó tận dụng được hầu hết các lợi thế của Blockchain.

Khác biệt giữa hệ thống tài chính truyền thống và DeFi

Trong hệ thống tài chính truyền thống, ngân hàng (và các tổ chức tài chính thống thường) sẽ kiểm soát mọi quy trình và giao dịch. Từ đăng ký tài khoản và xác minh danh tính đến đăng ký vay vốn, đăng ký đầu tư,... đều phải thông qua các tổ chức tài chính. Điều này khiến cho các hoạt động tài chính trở nên phức tạp, tốn kém cũng như dễ bị đánh cắp thông tin cá nhân.

Ví dụ để có đăng kí một tài khoản ngân hàng - thứ có thể giúp bạn nhận và gửi tiền, bạn phải thực hiện hàng tá thủ tục. Hay mỗi khi bạn muốn vay tiền và gửi tiết kiệm, bạn phải thực hiện rất nhiều thủ tục ngoằn ngoèo để chứng minh danh tính.

Trong khi với Blockchain, bạn không cần phải làm bất kì thủ tục gì và bạn cũng có thể kiểm tra logic - hoạt động của mọi hệ thống (Smart Contract) mà bạn tham gia vào. Qua đó ta có thể thấy sự khác biệt cơ bản là DeFi loại bỏ các quy trình phức tạp nhưng vẫn đảm bảo tính ẩn danh của bạn và tính minh bạch của hệ thống.

Tuy nhiên DeFi cũng có một số rủi ro nhất định, trong đó rủi ro lớn nhất là DeFi hack, rất nhiều cuộc tấn công vào các DeFi lớn nhỏ mỗi ngày vì các lỗ hổng trong Smart Contract dù đã được test và audit kĩ càng.

Ưu nhược điểm của DeFi

Ưu điểm

  • Phi tập trung và sự kiểm soát: DeFi loại bỏ sự cần thiết của trung gian tài chính truyền thống như ngân hàng, giúp cá nhân có thể kiểm soát tài sản và giao dịch của mình mà không cần phải thông qua bên thứ ba.
  • Tiếp cận mở: Mọi người trên khắp thế giới đều có thể tham gia vào DeFi chỉ cần một kết nối internet, tạo ra những cơ hội tài chính mới cho những người không thể tiếp cận dịch vụ tài chính truyền thống, như vay vốn, đầu tư vào các tài sản, và tham gia vào các sản phẩm tài chính phức tạp.
  • Khả năng kiểm tra và minh bạch: Do thông tin trên Blockchain là công khai và không thể thay đổi, tạo nên sự minh bạch về các thông số báo cáo và giảm thiểu các vấn đề về gian lận trong các hệ thống tài chính.

Nhược điểm

  • An toàn và bảo mật: Như đã nói ở trên, các Smart Contract không phải lúc nào cũng hoàn hảo và có thể có các lỗ hổng bảo mật dù đã được test và audit kĩ càng. Các hacker có thể tìm cách tấn công các dịch vụ DeFi để đánh cắp tài sản của người dùng.
  • Pháp lý và quy định: Vì DeFi hoạt động trong môi trường mới và thường không chịu sự kiểm soát chặt chẽ, các vấn đề liên quan đến pháp lý và quy định có thể phát sinh. Các tội phạm DeFi cũng thường rất khó truy vết. Một ví dụ điển hình là Tornado Cash. Bằng việc triển khai Zero-Knowledge Proof, nó có thể giúp các tội phạm rửa tiền mà không có cách nào để truy vết. Hiện Tornado Cash đã bị cấm ở vài quốc gia và developer cũng đã bị bắt giữ.
  • Các rủi ro khác: Có thể kể đến như biến động thị trường, thất thoát tiền mã hoá, mất khả năng trợ giúp,...

Đọc thêm về Zero-Knowledge tại bài viết Zero-Knowledge Proof là gì và cách hoạt động.

Các hoạt động trên DeFi

Liquidity Mining

Liquidity Mining (Khai thác thanh khoản) là hình thức kiếm tiền mã hoá dựa việc cung cấp Liquidity (Thanh khoản) cho các cặp tiền mã hoá trên các trên các DEX (Sàn giao dịch phi tập trung) sử dụng cơ chế Automated Market Maker (Tạo lập thị trường tự động) để nhận lại phần thưởng tương ứng. Những người cung cấp thanh khoản như vậy được gọi là Liquidity Provider.

Điều này tương tự như việc bạn sở hữu một mảnh đất trống và bạn cung cấp dịch vụ cho người khác đến cắm trại. Trong trường hợp này, bạn kiếm lời từ số người tham gia khu vực của bạn và cắm trại tại đó.

Yield Farming

Yield Farming (Canh tác lợi nhuận) là hình thức khoá tài sản của bạn vào một DEX cụ thể. Tương tự như Liquidity Mining, hình thức này thường diễn ra trên các DEX có cơ chế AMM.

Có thể hiểu nôm na như việc bạn gửi tiền vào ngân hàng, hoặc nói cách khác, bạn cho ngân hàng vay tiền của bạn để người khác mượn, và từ đó bạn thu lời nhuận từ phần lãi suất được sinh ra.

Staking

Staking (Đặt cược) có nhiều điểm tương đồng với Yield Farming, tuy nhiên thay vì cho người khác vay, số tiền này được sử dụng để bảo trì và bảo mật hệ thống của giao thức và dự án.

Trading

Trading (Giao dịch) trong hệ sinh thái DeFi được diễn ra thông qua các DEX. Có rất nhiều loại Trading như Swap, Margin, Spot, Futures,... phần này sẽ được giới thiệu sau.

Với hoạt động tương tự như việc đầu tư cổ phiếu, nó giúp bạn kiếm lời từ sự chênh lệch giá của các tài sản, nhưng cũng đi kèm với nhiều rủi ro.

Arbitrage

Arbitrage (Kinh doanh chênh lệch giá) là một chiến lược giao dịch phổ biến trong DeFi, tận dụng sự chênh lệch giá giữa các DEX hoặc các cặp giao dịch trên cùng một sàn. Người dùng mua tài sản ở giá thấp hơn tại một nơi và bán ở giá cao hơn ở nơi khác để kiếm lời từ sự chênh lệch này.

Việc mua hàng hóa từ nơi có giá rẻ hơn và bán chúng ở nơi có giá cao hơn để kiếm lời từ sự chênh lệch đó là một ví dụ tương đồng cho Arbitrage

Flash Loan

Flash Loan (Vay nhanh) là một hoạt động nâng cao trong DeFi, cho phép người dùng vay mượn một số lượng lớn tiền mã hóa trong một Transaction (Giao dịch) duy nhất, miễn là bạn có khả năng trả lại trong cùng một Transaction.

Với tính chất này, ngoài việc được sử dụng để thực hiện các giao dịch có lợi như Arbitrage hoặc để tham gia vào các hoạt động cụ thể trên Blockchain, Flash Loan cũng thường bị lạm dụng bởi các hacker để thực hiện một hình thức tấn công phổ biến: Flash Loan Attack.

Sự phát triển và tương lai của DeFi

Hệ sinh thái DeFi đã chứng kiến một sự phát triển đáng chú ý, và trong tương lai, DeFi có thể thay đổi cách chúng ta tham gia vào hoạt động tài chính. Dưới đây là một số góc nhìn chủ quan của mình về tương lai của DeFi:

Tích hợp với tài chính truyền thống

Có nhiều động thái cho thấy DeFi đang tiến gần hơn đến việc tích hợp với hệ thống tài chính truyền thống. Các dự án và giao thức DeFi ngày càng hợp tác với các tổ chức tài chính truyền thống và ngân hàng để tạo ra sự kết nối giữa hai thế giới giúp cho con người tận dụng các dịch vụ DeFi thông qua các ngân hàng và ứng dụng tài chính truyền thống mà chúng ta đã quen thuộc.

Dự án MakerDAO là một trong những bước đi tiên phong về việc tích hợp DeFi với tài chính truyền thống. MakerDAO cung cấp một giao thức vay độc lập dựa trên Ethereum. Người dùng có thể thế chấp ETH của họ để vay stablecoin DAI. Tích hợp với MakerDAO, các ngân hàng có thể cung cấp cho khách hàng của họ một cách tiếp cận mới với vay vốn đảm bảo bằng tài sản mã hoá mà không cần đến các giao thức truyền thống.

Đối mặt với thách thức pháp lý

Vấn đề về pháp lý là một thách thức lớn đối với DeFi. Các quốc gia và tổ chức quốc tế đang nỗ lực để xác định cách quản lý và kiểm soát các hoạt động DeFi. Một số quốc gia đã áp dụng quy định cứng rắn hơn đối với DeFi, trong khi những nước khác có thể thúc đẩy việc thiết lập mô hình quản lý linh hoạt hơn. Sự phát triển trong lĩnh vực này có thể ảnh hưởng đến cách DeFi phát triển và mở rộng trong tương lai.

Decentralized Autonomous Organization (Tổ chức tự trị phi tập trung) là một hệ thống giải quyết các vấn đề về quyền lực và pháp lý. Dựa trên việc bỏ phiếu bởi cộng đồng người tham gia, DAO có thể quyết định về các vấn đề quan trọng như việc phát hành token, cung cấp tài trợ, các quỹ đầu tư mạo hiểm hay thậm chí thay đổi các quy tắc của chính nó. DAO thường được sử dụng để quản lý các giao thức DeFi và có thể là một giải pháp cho vấn đề này nhưng vẫn còn nhiều rủi ro.

Mở rộng sự đa dạng về sản phẩm

DeFi không chỉ dừng lại ở việc cho vay, cho thuê hoặc giao dịch. Sự sáng tạo trong hệ sinh thái DeFi đang dẫn đến việc phát triển nhiều loại sản phẩm tài chính mới, từ việc tạo ra synthetic assets (tài sản tổng hợp) cho đến việc tạo ra các hợp đồng tùy chỉnh để quản lý rủi ro. Các sáng kiến mới này có thể mở ra cơ hội tài chính mới cho mọi người, nhưng cũng đòi hỏi sự nghiêm túc trong việc nghiên cứu và hiểu biết.

Synthetix là một ví dụ về sự đa dạng về sản phẩm trong DeFi. Synthetix cho phép người dùng tạo và giao dịch các synthetic assets theo giá trị của các tài sản thực sự như cổ phiếu, hàng hóa hay tiền tệ. Điều này mở ra cơ hội đầu tư và định giá đa dạng hơn trong hệ sinh thái DeFi. Ví dụ, người dùng có thể tạo và giao dịch synthetic Bitcoin (sBTC) mà không cần thực sự sở hữu Bitcoin.

Kết luận

Tóm lại, DeFi không chỉ là một xu hướng mới trong ngành tài chính, mà còn là một cuộc cách mạng có thể thay đổi cách chúng ta tương tác với tiền và tài sản. Tuy nhiên, cần nhớ rằng sự đổi mới không đi kèm mà không có rủi ro. Việc thúc đẩy tính minh bạch, giải quyết các vấn đề bảo mật và đảm bảo tuân thủ pháp lý sẽ quyết định sự phát triển bền vững của DeFi trong tương lai.